Bạn đang bị TikTok theo dõi nếu từng xem nội dung liên quan đến LGBT
Theo một báo cáo gần đây của The Wall Street Journal, trong một năm qua, TikTok đã đưa người dùng xem các nội dung video có liên quan đến đồng tính (LGBT) bao gồm đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới vào danh sách bí mật và theo dõi họ.
Theo các cựu nhân viên TikTok, trong ít nhất 1 năm, họ đã có thể tiếp cận danh sách người dùng xem những nội dung đồng tính trên ứng dụng video ngắn phổ biến. TikTok không yêu cầu người dùng tiết lộ xu hướng tình dục, nhưng lại lập danh mục các video họ đã xem theo chủ đề liên quan đến cộng đồng LGBT, chuyển giới…. Việc thu thập thông tin diễn ra thông qua bảng điều khiển, theo WSJ. Đáng ngại hơn, không chỉ các nhân viên ở Mỹ mà kể cả nhân viên ở Trung Quốc cũng có thể xem được những thông tin này.
Đa số các cựu nhân viên TikTok không coi những chủ đề đó là nhạy cảm. Số khác ở Mỹ, Vương quốc Anh và Australia lại bày tỏ lo ngại, vì danh sách này có thể giúp xác định được đâu là người dùng thuộc giới tính thứ 3. Họ đã trao đổi với các giám đốc điều hành từ năm 2020, 2021 và lo ngại rằng nếu bị lộ, các bên sẽ sử dụng nó để lợi dụng tống tiền người dùng.
Theo WSJ, các công ty truyền thông xã hội và công nghệ quảng cáo thường phỏng đoán đặc điểm, tính cách người dùng dựa trên hành vi trực tuyến, từ đó định hướng nội dung hoặc quảng cáo họ có thể tiếp cận. Tuy nhiên, các phương pháp truyền thông xã hội và công nghệ quảng cáo không khuyến khích theo dõi các thông tin nhạy cảm liên quan tình dục bởi dữ liệu này về cơ bản có thể tạo danh sách những người dùng dễ bị tổn thương.
Hiện tại, giới lập pháp Mỹ đang chỉ trích TikTok. Họ sợ rằng chính phủ Trung Quốc có thể buộc chủ sở hữu ứng dụng ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh tiết lộ thông tin về người dùng. Trong khi đó, đại diện TikTok cho biết TikTok chưa cung cấp bất kỳ dữ liệu người dùng Mỹ nào cho chính phủ.
Đại diện người phát ngôn cũng cho biết bảng điều khiển dùng để truy cập dữ liệu người dùng xem nội dung đồng tính đã bị xóa gần một năm trước. Ngoài ra, TikTok khẳng định không xác định thông tin nhạy cảm tiềm ẩn dựa trên những gì được xem, bởi người dùng tương tác với nội dung LGBT trên TikTok không đồng nghĩa với việc họ thuộc cộng đồng LGBT.
“Bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi,” TikTok cho biết trong một tuyên bố. Các thông tin này được đưa ra khi TikTok đang có nguy cơ đối mặt với việc bị cấm tại Mỹ, nơi họ có hơn 100 triệu người dùng.
Trong nội bộ, một số nhân viên lập luận rằng dữ liệu có thể thu thập an toàn vì nó không tiết lộ liệu người dùng đó có thực sự là LGBT hay không. Số khác không đồng ý với điều này, rằng các chủ đề video đó đã đủ để suy luận khuynh hướng giới tính.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây đã yêu cầu chủ sở hữu TikTok bán bớt cổ phần trong ứng dụng chia sẻ video ngắn nếu không có thể phải đối mặt với lệnh cấm của Mỹ. Nhiều cơ quan liên bang và chính quyền địa phương cũng cấm quan chức chính phủ sử dụng TikTok, trong khi Montana phê duyệt lệnh cấm sử dụng ứng dụng trên toàn tiểu bang.
Đáp lại, TikTok cố gắng minh bạch hơn trong cách xử lý dữ liệu và kiểm duyệt nội dung, thậm chí xây dựng một trung tâm lưu trữ dữ liệu tại Mỹ nhằm loại bỏ mối lo ngại của giới lập pháp. Người phát ngôn của TikTok cũng cho biết vào thời điểm đó, chỉ những nhân viên được ủy quyền mới có thể truy cập dữ liệu. Các nền tảng truyền thông xã hội, trong đó có Meta, cũng theo dõi dữ liệu người dùng nhưng những năm gần đây đã khóa quyền truy cập thông tin nhạy cảm.
Network Advertising Initiative, đại diện các công ty trong ngành công nghệ quảng cáo kỹ thuật số, kể từ năm 2015 đã cấm các thành viên nhắm mục tiêu dựa trên phỏng đoán. Leigh Freund, giám đốc điều hành, cho biết các thành viên đôi khi sẵn sàng từ bỏ cơ hội tăng doanh thu để tránh rủi ro cho người dùng.
“Chúng tôi cam kết. Thứ nhất, giữ an toàn, đặc biệt là dành cho thanh thiếu niên, là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi. Thứ hai, chúng tôi sẽ bảo vệ dữ liệu của người Mỹ bằng tường lửa, tránh khỏi sự truy cập của nước ngoài. Thứ ba, TikTok sẽ vẫn là nơi để tự do ngôn luận và sẽ không bị bất kỳ chính phủ nào thao túng”, CEO TikTok khẳng định.
Dẫu vậy, một số ý kiến vẫn cho rằng TikTok có thể gây ra những rủi ro đặc biệt đối với quyền riêng tư và an ninh quốc gia. “Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng điều đó để thao túng”, một ý kiến cho biết.
“TikTok thu thập gần như mọi dữ liệu, từ vị trí của người dùng, tới cách họ đánh chữ và copy, người họ nói chuyện, dữ liệu sinh trắc học và nhiều thứ nữa. Ngay cả khi họ chưa từng sử dụng TikTok, họ vẫn bị theo dõi khắp nơi trong môi trường mạng. TikTok giám sát tất cả chúng ta”, bà Cathy Mcmorris Rodgers, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ, nói.
Được biết, TikTok là ứng dụng thành công nhất lịch sử. Nó xuất hiện vào năm 2017 từ ứng dụng chia sẻ video Douyin của Trung Quốc và chỉ 3 năm sau đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất thế giới, thậm chí vượt qua cả Google nếu xét về số lượt tên miền web được truy cập.
Quá trình chinh phục người dùng có “bệ phóng” là thời gian nhàn rỗi đợt phong tỏa COVID-19, song đây không đơn thuần chỉ là may mắn. Thiết kế thuật toán của TikTok biến đây trở thành một ứng dụng mà người dùng khó có thể cưỡng lại.
Với TikTok, thuật toán đề xuất là sản phẩm cốt lõi. Không phải liệt kê sở thích, việc duy nhất bạn cần làm là ngồi xem video, nhấn like nếu thích hoặc lướt qua nếu không ưa. Hành động này sẽ được TikTok ghi nhớ, từ đó tự tạo thói quen xem và điều chỉnh nội dung hiển thị cho phù hợp (có khi thông qua nét mặt của bạn). Video TikTok thường ngắn hơn nhiều so với video trên YouTube, vậy nên, thuật toán thu thập dữ liệu cũng nhanh và tập trung nhiều hơn vào người dùng.
Theo Bloomberg, những video như vậy vô hại, nhưng thuật toán không chỉ hiển thị cho người dùng một nội dung duy nhất. Khi nhận được tín hiệu về sự thu hút, nó sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại nội dung tương tự và ghi dấu trong não người xem. Không ít trào lưu gây hại, sai lệch song bị lan truyền mạnh mẽ là vì vậy.