Các nền tảng YouTube, Facebook có trách nhiệm trong việc bảo vệ bản quyền
Các nền tảng số cung cấp dịch vụ trung gian như YouTube, Facebook cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng
Theo quy định mới nhất, khi có tranh chấp bản quyền xảy ra trên môi trường số, các nền tảng trung gian thanh toán cần khôi phục lại thông tin nội dung số đã bị gỡ bỏ hay ngăn chặn theo quyết định của Tòa án, hoặc theo văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nghị định 17/2023/NĐ-CP (Nghị định 17) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực từ ngày 26/4/2023. Một trong những điểm mới nhất của Nghị định này đó là, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.
Bộ phim nổi tiếng thế giới Wolfoo được sản xuất tại Studio của Sconnect Việt Nam.
Theo mục 8 của Nghị định 17, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ: "chỉ truyền dẫn"; "lưu trữ đệm"; "lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu".
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cũng cần có trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Điều 114 của Nghị định 17 đã quy định rõ về quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian "lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu" khi nhận được yêu cầu từ chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan (gọi là bên yêu cầu) kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh quy định tại khoản 4 Điều 114 thông qua công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều 111 của Nghị định cần thực hiện theo các điểm a,b,c tại khoản 1 Điều 114.
Trong đó, điểm c khoản này nêu rõ: Kể từ khi chuyển tiếp tài liệu, chứng cứ cho bên yêu cầu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 114 mà bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu không tiến hành khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm hoặc Tòa án; cơ quan nhà nước có thẩm quyền không quyết định thụ lý đơn theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian duy trì khôi phục nội dung thông tin số đã bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn.
Trường hợp Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thụ lý đơn của một trong hai bên thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thực hiện việc xóa bỏ/ngăn chặn nội dung theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với quy định này, các nền tảng trung gian như các nhà mạng viễn thông, ISP trong nước, các nền tảng xuyên biên giới (như Facebook, YouTube, TikTok…) có thể gỡ bỏ, ngăn chặn các nội dung số khi có yêu cầu và sở cứ chứng minh hành vi vi phạm từ chủ sở hữu quyền. Tuy nhiên, bên yêu cầu ngăn chặn/xóa bỏ không thể chỉ sử dụng đơn khởi kiện để yêu cầu xóa bỏ/ngăn chặn mà phải sử dụng thêm Quyết định ngăn chặn của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Với quy định mới này, các doanh nghiệp Việt Nam có sở cứ để yêu cầu các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok khôi phục lại nội dung đã gỡ bỏ/ngăn chặn trong trường hợp có một tòa án đã quyết định bên bị khởi kiện không vi phạm bản quyền, hoặc chấp hành theo văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước Việt Nam.
Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, từ đó đảm bảo sự công bằng và hỗ trợ giải quyết tranh chấp khi có tình trạng lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để gây khó khăn, thiệt hại cho đối thủ.